Buổi chiếu Hoa nhài- bộ phim mà Đặng Nhật Minh cho rằng "có thể là cuối cùng của tôi" (năm nay ông đã 85 tuổi) - diễn ra tại rạp DCINE Bến Thành (TP.HCM) tối 29.10.
Những thước phim đầy tình người
Hoa nhài đưa người xem len lỏi vào mọi ngóc ngách của phố phường Hà Nội,Baccarat nơi mà ở đó bao con người bình dị đang sống: người thợ cắt tóc, chú bé đánh giày, ông giáo già dạy nhạc, cô hàng phở, bà bán vé số…
Thời điểm bắt tay vào làm Hoa nhài, Đặng Nhật Minh đã bước sang tuổi 82. Vì vậy góc nhìn của ông như lùi lại để chiêm nghiệm. Hoa nhàiđưa người xem đồng cảm cùng những nhân vật đời thường, những mảnh đời trôi theo nhịp chảy hối hả của Hà Nội. Ông sử dụng nhiều góc máy từ trung đến toàn cảnh để gợi nhớ một Hà Nội cổ kính đang chuyển mình phát triển và kéo theo đó là những đổi thay của từng phận người. "Tôi không làm gì cao siêu, tất cả chỉ xoay quanh những con người nơi khu phố tôi đang sống. Sự tử tế lan tỏa và cho thấy những người Hà thành thanh lịch, nhân ái, sẵn sàng cưu mang nhiều mảnh đời khó khăn, trắc trở", đạo diễn cho biết.
Phim không có những đoạn cao trào, kịch tính mà thay vào đó là vô số phân cảnh thấm đẫm tình người: ông thợ cắt tóc (Hoàng Huy đóng) lặng lẽ chở che cho Đức (Minh Đức) - chú bé đánh giày từ quê lên Hà Nội kiếm tiền lo cho gia đình. Rồi ông giáo già (Tôn Thất Triêm) giúp Đức học nghề làm bếp để có một tương lai tốt hơn, còn Đức thì giúp chị hàng xóm ở quê lặn lội ra Hà Nội tìm việc... Nhiều mảnh đời được đạo diễn Đặng Nhật Minh khâu lại một cách khéo léo, tài tình trong bộ phim có thể là cuối cùng này khiến khán giả xúc động, đúng như ông đã nói: "Một bộ phim hay sẽ khiến người xem rung động", và ông làm Hoa nhài vì muốn thể hiện câu ca dao: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Hoa nhàikhác đôi chút so với những tác phẩm trước đây của Đặng Nhật Minh khi ông dùng cách kể chuyện đơn giản hơn. Phim không có xung đột gay gắt mà chân thật như đời thường với đan xen giữa lòng tham và sự bao dung. Phim làm khán giả liên tưởng đến Tokyo Storycủa đạo diễn bậc thầy Nhật Bản Ozu Yasujiro.
Màu phim Hoa nhàinhuốm nét xưa cũ, mô tả một Hà Nội cổ kính làm khán giả hồi tưởng về những thước phim nhựa mấy mươi năm trước. "Hoa nhàilà bức tranh về Hà Nội qua lăng kính tầng lớp bình dân, không phải của giới nhà giàu. Tôi sống với họ hằng ngày, nên tôi nghĩ vì sao không làm phim về họ, đơn giản thế thôi", đạo diễn bày tỏ.
Âm nhạc cũng góp phần tạo nên sự độc đáo khi phim không sử dụng nhạc nền mà thay vào đó là dàn đồng ca khiếm thị trong lớp học nhạc của thầy giáo già. Khi nghe các ca khúc như Người Hà Nội, Nụ cười(nhạc Nga)…, đạo diễn Ngô Quang Hải bật ra nhận định: "Những người khiếm thị trong phim đã nhìn thấy thứ ánh sáng bằng âm nhạc và ca từ. Đó là nguồn nước mát đầy cảm xúc".
Phim không có ngôi sao nhưng dàn diễn viên diễn như không diễn giúp khán giả có cảm giác như đang sống thật ở một con phố nào đó giữa lòng Hà Nội. Người xem thích lối diễn chân chất của diễn viên Hoàng Huy, Minh Đức, Tôn Thất Triêm, Minh Phương, Nguyễn Thị Nguyệt, Bích Thảo...
Lời tri ân đất Tràng An
"Tôi sinh ra ở Huế nhưng lớn lên tại Hà Nội. Đất Tràng An là nơi tôi trưởng thành và thành danh hơn 60 năm qua, vì thế tôi dành những lời tri ân - như cách trả nghĩa cho nó. 85 tuổi rồi, tôi nhìn đời thong dong, bình tĩnh lắm. Tôi chiêm nghiệm lại đời mình, những con người đã đi qua mà không chút oán trách. Ai thích kịch tính, xung đột thì xem phim tôi làm sẽ không thể thấy mà thay vào đó là tình người, sự nhân văn", đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ.
TP.HCM, nơi vừa tổ chức tháng phim vinh danh sự nghiệp của Đặng Nhật Minh, lại đem đến cho ông cảm xúc khác. "Kỷ niệm với thành phố này luôn đầy ắp trong tôi. Ngày 30.4.1975, tôi theo cánh quân đầu tiên từ Bắc vào giải phóng thành phố và ngủ trong dinh Độc Lập. Tôi cảm thấy thành phố này thân thuộc với mình. Tham gia sự kiện tôi rất vui và thích thú khi nhận ra nhiều bạn trẻ đam mê điện ảnh, muốn theo nghề. Không ít khán giả đã đến xem phim của tôi dịp này khiến tôi cảm động lắm", ông chia sẻ.
Ông kể về lần thăm Viện Lưu trữ phim Fukuoka (Nhật Bản), vị giám đốc dẫn ông qua nhiều lớp cửa sắt để vào nơi cất giữ những bộ phim nhựa 35 mm, trong đó có phim của ông và cho biết phim có thể được lưu đến 400 năm mà không hề hư hỏng. "Tôi xúc động vì cảm giác ai cũng sẽ ra đi nhưng những thước phim còn để lại cho đời mãi đến 400 năm sau thì quá sức hạnh phúc, kỳ diệu. Có đến 60 phim VN được lưu giữ tại đây", ông kể.
Ông gửi gắm đến thế hệ trẻ tình yêu điện ảnh cùng góc nhìn đầy nhân văn khi làm nghệ thuật vì theo ông: "Làm nghệ thuật là vì con người, luôn phải tôn vinh nét đẹp tâm hồn qua tác phẩm". Trong buổi chia sẻ cùng báo giới và khán giả, đạo diễn Đặng Nhật Minh còn cho biết mỗi sáng khi vừa thức dậy ông luôn mở máy tính đọc báo Thanh Niên- tờ báo ông đã đồng hành suốt mấy mươi năm qua.
Bây giờ đã đến tháng mười là chương trình tri ân đạo diễn Đặng Nhật Minh diễn ra từ ngày 5 - 29.10.2023 tại rạp DCINE, TP.HCM. Chương trình do Trigger Film Academy phối hợp với Storii và DCINE Cinemas tổ chức.
9 tác phẩm được chiếu trong sự kiện này gồm: Tháng năm, những gương mặt (1977), Thị xã trong tầm tay (1983), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Cô gái trên sông (1987), Trở về (1994), Thương nhớ đồng quê (1995), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997), Mùa ổi (2000) và Hoa nhài (2022).
Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng đoạt giải Kodak tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương, giải Phim châu Á hay nhất của NETPAC tại Liên hoan phim quốc tế Rotterdam, giải Nikkei Asia Prize do Nhật Bản trao năm 1999 vì những đóng góp cho điện ảnh châu Á, giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju (Hàn Quốc) năm 2005… Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và nhận Huân chương lao động hạng nhất.
Ngọc Hạ